Kiến thức 4 cách thắp lại ngọn đuốc nhiệt huyết của nhân viên

Theo thời gian, sự nhiệt huyết, lòng tận tâm với công việc của nhân viên bị giảm đi vì nhiều lý do. Người quản lý hãy khéo léo sử dụng 1 trong 4 cách sau để khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết cho cấp dưới của mình.

Bạn hãy nhớ lại, khi là các nhân viên mới, chẳng phải họ luôn muốn khám phá, tìm hiểu và tìm cơ hội để khẳng định bản thân. Song cứ duy trì mãi một nhịp độ công việc, lặp đi lặp lại một quy trình làm việc sẽ khiến nhân viên làm việc hời hợt, mất đi sự thích thú ban đầu.

Người quản lý cần tinh ý nhận ra những nhân viên như vậy, thay vì quát tháo, dọa dẫm đuổi việc thì hãy dùng tới những cách sau để thắp lại ngọn đuốc đã lụi tàn trong họ.

1. Bản thân người quản lý hãy luôn là tấm gương sáng cho nhân viên

Nghe thì giống một câu cổ động phong trào nhưng thực tế, nhân viên luôn nhìn vào người quản lý để phấn đấu. Vậy nên, bạn không muốn cấp dưới mất động lực làm việc, lơ là trong công việc thì chính bản thân bạn phải luôn có niềm đam mê mãnh liệt với mọi công việc dù lớn, dù nhỏ.

sếp là tấm gương cho nhân viên
Lãnh đạo cần phải là tấm gương sáng cho nhân viên

Ngược lại, lãnh đạo mà ủ rủ hoặc luôn hời hợt trong công việc, sẽ không thể thúc đẩy nhân viên. Không sai khi nói, người quản lý như đầu tàu, đầu tàu có chạy thì nhân viên là các toa tàu mới chạy tiếp còn đầu tàu dừng thì công việc cũng vì thế mà bị đình trệ.

2. Nhận xét tích cực có tác dụng hơn lời góp ý tiêu cực

Trong những trường hợp nhân viên làm việc chểnh mảng khiến năng suất công việc bị ảnh hưởng, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Có người sẽ la mắng ngay tức khắc và đưa ra quy định công ty có thể bị trừ lương, đuổi việc. Cách làm này không giúp nhân viên tập trung hơn vào công việc mà khiến họ có thái độ thù địch, dẫn đến các hành động chống đối khác.

Cách làm sáng suốt nhất mà người quản lý có thể làm là đưa ra lời khuyên cho nhân viên khi chỉ có hai người với nhau. Nếu được, bạn hãy đề ra mục tiêu trong thời gian ngắn để tạo động lực làm việc cho nhân viên và quan trọng hơn là khiến họ cảm thấy mình có ích trong công ty.

3. Tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên

Dù là người tâm huyết như nào nhưng nếu chỉ làm việc ở mãi một vị trí thì nhân viên cũng sớm chán chường mà bỏ bê công việc vì nghĩ rằng dù bản thân có cố gắng hơn nữa cũng không có kết quả tốt hơn. Đây có thể là lý do nhân viên nghỉ việc và sang đầu quân cho công ty đối thủ, nơi mà năng lực của họ được ghi nhận.

tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên
Mỗi nhân viên cần nắm rõ lộ trình thăng tiến của mình nếu làm tốt

Để khích lệ nhân viên, công ty nên có lộ trình thăng tiến cụ thể cho từng nhân viên và lộ trình này cần được cho nhân viên biết rõ để họ hào hứng và chăm chỉ hơn trong công việc. Ngoài ra, một số hoạt động mà người quản lý có thể thực hiện được ngay để gia tăng động lực làm việc cho nhân viên như:

  • Khen thưởng công khai khi nhân viên có kết quả xuất sắc trong các dự án/ hợp đồng…
  • Giao quyền tự chủ (trong giới hạn) cho nhân viên
  • Nếu nhân viên thể hiện năng lực tốt, nên giao dự án/ hợp đồng lớn hơn cho họ và lời hứa thăng chức nếu làm tốt

4. Tạo đặc quyền cho nhân viên

Cách thứ 4 này, bạn có thể dễ dàng nghe thấy khi tìm hiểu về môi trường làm việc của các ông lớn như Google, Facebook, Apple…còn ở Việt Nam, một số công ty khởi nghiệp công nghệ cũng làm rất tốt việc tạo đặc quyền ưu tiên cho nhân viên.

Tùy thuộc vào khả năng kinh tế và “độ chịu chơi” của lãnh đạo, mà doanh nghiệp có thể áp dụng một số gợi ý về đặc quyền sau:

  • Tổ chức các câu lạc bộ bơi, yoga, gym, đá bóng, khiêu vũ…giúp nhân viên thư giãn sau giờ làm việc và gắn kết hơn với nhau.
  • Thay vì cấm nhân viên không được nghỉ trưa thì hãy xây dựng thêm các phòng ngủ để nhân viên nghỉ ngơi khi phải làm việc xuyên suốt tại văn phòng.
  • Cung cấp đồ ăn miễn phí cho nhân viên.
  • Mở thêm các lớp đào tạo chuyên môn, kĩ năng, giúp họ luôn làm mới bản thân trong quá trình làm việc.
  • Mở rộng chương trình phúc lợi (y tế, giáo dục) cho người nhà của nhân viên…

Có rất nhiều hình thức doanh nghiệp có thể áp dụng hoặc tự “chế biến” để tạo động lực làm việc cho nhân viên mà vẫn phù hợp với môi trường kinh doanh của mình.

Nhân viên là tài sản vô hình và là yếu tố giúp doanh nghiệp cạnh tranh so với đối thủ, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc đặt nhân viên làm trung tâm để thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết với công việc của họ.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]